image banner
Lịch sử

VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ ĐẶC ĐIỂM HÀNH CHÁNH XÃ HƯỚNG THỌ PHÚ

Cũng như bao làng xã của vùng đất Đồng Nai – Gia Định xưa, xã Hướng Thọ Phú đã có từ lâu đời trong lịch sử. Cách đây hơn 3 thế kỷ, cuộc phân tranh Trịnh – Nguyễn kéo dài hàng trăm năm đã gây bao nhiêu cảnh điêu linh, tang tóc cho nhân dân. Không chịu nổi cảnh áp bức bóc lột tàn khóc của các thế hệ phong kiến, nhiều người ở miền Bắc, miền Trung đã bỏ quê hương dắt diu nhau với đôi chân vạn dặm lần vào cực Nam sinh sống. Tuy khó khăn vất vả nhưng cuộc sống tự do. Lần theo các sông rạch lớn, lưu dân đã cập bến theo sông Vàm Cỏ Tây lần lượt khai phá vùng đất Bình Lập (nay là thành phố Tân An) rồi mở rộng ra các khu vực lân cận. Đất lành chim đậu, cùng với thời gian, lưu dân tụ cư ngày càng một đông thêm. Xã Hướng Thọ Phú được hình thành với quá trình khai khẩn đất hoang ở vùng này. Đến năm 1698, khi Nguyễn Hữu Cảnh lập phủ Gia Định, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình thì xã Hướng Thọ Phú thuộc phần đất tổng Thuận An, một trong bốn tổng của huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn.


Năm 1802, phủ Gia Định đổi thành trấn Gia Định, rồi đến năm 1809, trấn Gia Định đổi thành trấn Phiên An (thuộc Gia Định thành), huyện Tân Bình được thăng lên làm phủ và bốn tổng cũ được thăng lên thành huyện, trong đó, tổng Thuận An thành huyện Thuận An. Địa bàn Hướng Thọ Phú thuộc huyện Thuận An. Năm 1932, Gia Định thành được giải thể, 5 trấn được đổi thành 6 tỉnh. Trấn Phiên An đổi thành tỉnh Phiên An quản trị hai huyện: Phước Lộc và Thuận An. Huyện Thuận An lúc này bao gồm 4 tổng: Bình Cách Thượng, Bình Cách Trung, Thuận Đạo Thượng, Thuận Đạo Trung. Làng Hướng Thọ Phú thuộc tổng Thuận Đạo Thượng, huyện Thuận An.

Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, chúng ta đã phân chia Nam Kỳ thành 20 tỉnh, trong đó tỉnh Tân An bao gồm địa bàn ba quận: Châu Thành, Thủ Thừa, Mộc Hóa. Theo bản đồ xã thôn do thực dân Pháp thiết lập vào năm 1920, Hướng Thọ Phú thuộc quận Thủ Thừa. Địa giới hành chính của Hướng Thọ Phú dưới thời Pháp thuộc bao gồm địa bàn của các thôn: Hướng Bình, Thọ Cang và Phú Nhơn.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược (1945 -1954), làng Hướng Thọ Phú (từ tháng 4 – 1947 đổi gọi là xã Hướng Thọ Phú) thuộc địa bàn Thủ Thừa, tỉnh Tân An.

Năm 1956, Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh nhập tỉnh Chợ Lớn với tỉnh Tân An lấy tên là Long An. Theo quy hoạch địa giới hành chánh của chánh quyền Ngô Đình Diệm, Hướng Thọ Phú thuộc huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Về phía chánh quyền cách mạng, từ tháng 7 năm 1961, huyện Thủ Thừa được sáp nhập cùng huyện Bến Lức thành huyện Bến Thủ nhưng đến năm 1969, Bến Thủ lại được tách thành hai huyện Bến Lức và Thủ Thừa như trước. Xã Hướng Thọ Phú vẫn thuộc huyện Thủ Thừa cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Riêng trong đợt II chiến dịch Mậu Thân (năm 1968), Hướng Thọ Phú được giao về thị xã Tân An phụ trách từ tháng 5 đến tháng 8 – 1968.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Hướng Thọ Phú thuộc huyện Thủ Thừa.Từ năm 1976, hai huyện Thủ Thừa và Bến Lức sáp nhập thành huyện Bến Thủ. Trong thời gian này ranh giới hành chánh của xã nhìn chung vẫn được giữ nguyên như dưới thời Pháp thuộc. Đến năm 1983, theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính Phủ), xã Hướng Thọ Phú được chuyển về thị xã Tân An quản lý.

Kể từ khi sáp nhập vào thị xã Tân An, đặc biệt là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, Hướng Thọ Phú đã phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quá trình đô thị hóa đã diễn ra nhanh chóng. Vì vậy, tháng 5 năm 1998, theo yêu cầu mở rộng thị xã Tân An Chính phủ đã ra quyết định tách ấp Thọ Cang và Phú Nhơn để lập thành phường 5, thị xã Tân An.

Sau khi các ấp Thọ Cang, Phú Nhơn tách thành phường 5, xã Hướng Thọ Phú có diện tích tự nhiên 2,1231 km2. Phía đông bắc giáp với xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, phía tây bắc giáp với xã Mỹ Phú thuộc huyện Thủ THừa, phía tây nam giáp xã Lợi Bình Nhơn, thị xã Tân An, phía nam giáp phường 6, thị xã Tân An, phía đông giáp phường 5, thị xã Tân An. Theo số liệu thống kê năm 2007, xã Hướng Thọ Phú có diện tích 2,1231 km2, dân số gồm 1.520 hộ gia đình với tổng số 6.064 nhân khẩu. Trong quy hoạch các khu dân cư, toàn xã được chia thành 4 ấp văn hóa: ấp văn hóa ấp 1 (trước là ấp Hướng Bình 1), ấp văn hóa ấp 2 (trước là ấp Hướng Bình 2), ấp văn hóa ấp 3 (trước là ấp Thọ Thạnh 1), ấp văn hóa ấp 4 (trước là ấp Thọ Thạnh 2).

Như vậy, kể từ khi những người Việt từ miền Bắc, miền Trung đến khai khẩn đất đai, lập nên làng xóm, vùng đất mà nay thuộc địa bàn Hướng Thọ Phú có nhiều thay đổi. Đó cũng chính là những dấu mốc quan trọng của các thời kỳ phát triển trong lịch sử đấu tranh, xây dựng quê hương của nhân dân Hướng Thọ Phú mà các thế hệ hôm nay cần phải hiểu biết đầy đủ để kế thừa và phát huy trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

 

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Thư viện ảnh