image banner
Truyền thống văn hóa

TRUYỀN THỐNG CHỐNG GIẶC NGOẠI XÂM CỦA NHÂN DÂN

HƯỚNG THỌ PHÚ TRƯỚC KHI ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA RỜI

          Kể từ khi có mặt tại vùng đất mới cho đến những năm đầu của thế kỷ XX, trong quá trình lao động để tạo dựng xóm làng, người dân Hướng Thọ Phú đã sớm đứng vào hàng ngũ đấu tranh chống kẻ thù xâm lược bảo vệ quê hương, bồi đắp những giá trị tốt đẹp trong truyền thống yêu nước và cách mạng của địa phương.

          Tháng 2 năm 1859, thực dân Pháp đưa quân vào đánh thành Gia Định lần thứ nhất, để hỗ trợ cho đội quân của triều đình, nhân dân các phủ, huyện của tỉnh Gia Định đã nhanh chóng tổ chức những đội nghĩa binh bao vây đánh địch, gây cho chúng nhiều tổn thất. Ngay từ những ngày đánh Pháp đầu tiên này, những đội nghĩa binh trong tổng làng của tỉnh Tân An đã nhanh chóng hình thành lực lượng tham gia chủ yếu là nông dân. Thừa hưởng lòng yêu nước và tinh thần chọn nghĩa khí, ghét áp bức bất công của bao thế hệ cha ông truyền lại, nông dân Hướng Thọ Phú đã sớm có mặt trong hàng ngũ của các đội nghĩa binh chống Pháp lúc bấy giờ, trong đó tiêu biểu nhất là các đội nghĩa binh do Dương Bình Tâm, Phan Văn Đạt, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Lịch (Nguyễn Trung Trực) lãnh đạo. Cũng từ đây, nhân dân Hướng Thọ Phú đã có mặt liên tục trong những cuộc chiến đấu oanh liệt chống thực dân Pháp xâm lược.

          Từ tháng 2 – 1861, đại quân Pháp đánh thành Gia Định lần thứ hai, đồn Kỳ Hòa thất thủ. Ngay sau đó, quân Pháp tiến đánh Định Tường, một tỉnh giàu có và đông dân nhất của Nam Kỳ lúc đó. Để ngăn chặn bước tiến của quân Pháp, nhân dân khắp các tổng, làng của phủ Tân An đã có mặt trong hàng ngũ dân binh lập chướng ngại vật ngăn chặn địch cả đường bộ lẫn đường sông, khiến cho quân địch phải mất nhiều ngày đêm với tổn thất nặng nền mới vượt qua được. Một sĩ quan Pháp là Paulin Vial có mặt trong lần tiến quân này đã thú nhận: "Chưa có cuộc hành quân nào ở Nam Kỳ mà mệt nhọc và nhiều người chết chóc bằng cuộc hành quân này. Quân ta trên đường đụng phải nhiều đại bác, nhiều cản, nhiều chướng ngại vật đủ loại do kẻ địch bày ra. Đó là cuộc chiến đấu liên miên cả ngày lẫn đêm….". Có thể thấy rằng, trong cuộc đối đầu trực tiếp với quân xâm lược lần đầu tiên trên mãnh đất quê hương, nghĩa quân và nhân dân Tân An nói chung, trong đó có nhân dân Hướng Thọ Phú, đã nêu cao tinh thần chiến đấu dũng cảm, gây cho địch nhiều khó khăn, tổn thất.

          Từ cuối năm 1861, phong trào võ trang chống Pháp ngày càng phát triển mạnh. Ở Tân An, nghĩa quân của Nguyễn Văn Lịch (Nguyễn Trung Trực) thường xuyên hoạt động uy hiếp quân địch. Tháng 12 – 1861, nghĩa quân của Nguyễn Văn Lịch đã lập nên một chiến công vang dội làm nức lòng người dân Tân An đó là trận tập kích đốt cháy chiến thuyền L'Esperance của giặc Pháp trên sông Nhựt Tảo giữa ban ngày. Trong trận đánh này, ngoài những người sinh trưởng tại làng Nhựt Tảo, đội quân cảm tử của Nguyễn Văn Lịch còn có nhiều người đến từ khắp các tổng làng của tỉnh Tân An. Chiến thắng oanh liệt trên sông Nhựt Tảo buộc thực dân Pháp thú nhận đây là " một trận đau đớn làm cho tinh thần người Việt phấn khởi lên và gây hoang mang cao độ trong binh lính Pháp".

          Với những đóng góp về sức người, sức của cho các đội nghĩa quân chống Pháp trên các mặt trận những năm 1860 – 1861, cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm của nhân dân Hướng Thọ Phú đã trở thành một bộ phận hữu cơ, gắn bó chặt chẽ với phong trào kháng Pháp đang dâng lên mạnh mẽ khắp lục tỉnh Nam Kỳ, mà địa bàn phủ Tân An là một trung tâm khởi nghĩa quan trọng.

          Kể từ sau chiến thắng Nhựt Tảo, cao trào chống Pháp trên địa bàn Tân An tiếp tục diễn ra trong suốt năm 1862. Tuy nhiên, giữa lúc đó, triều đình nhà Nguyễn lại tiến hành đàm phán với giặc và ký kết hiệp ước Nhâm Tuất (5-6-1862) nhượng cho Pháp ba tỉnh miền Đông, đồng thời yêu cầu các thủ lĩnh nghĩa quân hạ vũ khí, quy thuận người Pháp.

          Trước thái độ bạc nhược của triều đình, nhiều thủ lĩnh nghĩa quân vẫn giương cao ngọn cờ chiến đấu. Nghĩa quân của Nguyễn Văn Tiến hoạt động mạnh mẽ ở Tân An. Đặc biệt là nghĩa quân của Trương Định có địa bàn hoạt động suốt từ Chợ Lớn đến Tân An, Mỹ Thọ và trở thành trung tâm của phong trào kháng Pháp ở Nam Kỳ lúc bấy giờ. Một sử liệu cũ đã ghi lại không khí nhân dân địa phương ủng hộ nghĩa quân đánh Pháp: "Dân các xã hết thảy đều cổ vũ hoan nghênh, họ liền báo cáo với nhau, kẻ thì quyên góp lúa gạo, tiền bạc để giúp quân nhu, hoặc quyên đồng, sắt, chất nổ để giúp quân khí, người già, trẻ con thì ở nhà coi nhà, còn bao nhiêu trai tráng đều ra ứng mộ, họ muốn mau mau giết hết quân Tây cho hả giận". Sang năm 1863, khi thực dân Pháp bắt đầu thiết lập được nhiều đồn bót trên các vùng chiếm đóng, nghĩa quân đã phân tán thành những toán nhỏ lẻ, gây rối địch ngay tại nơi chúng chiếm đóng.

          Phong trào chống Pháp xâm lược của nhân dân Nam Kỳ, trong đó có nhân dân các tổng, làng của phủ Tân An, diễn ra hết sức mạnh mẽ nhưng cuối cùng đã lần lượt thất bại. Các thủ lĩnh nghĩa quân hy sinh hoặc sa vào tay giặc rồi bị chúng hành hình. Đến năm 1867, Pháp đã chiếm trọn Nam Kỳ, cuộc sống yên bình của người dân Hướng Thọ Phú kể từ thuở mở đất lập làng đến đây chấm dứt. Từ đó người dân Hướng Thọ Phú phải sống dưới ách áp bức bóc lột của bọn thực dân và bè lũ phong kiến tay sai. Chúng lần lượt thâu tóm ruộng đất, chúng bắt người dân phải đi làm thuê trên chính mảnh ruộng của mình. Thực dân Pháp và bọn tay sai phong kiến còn đặt ra nhiều thứ thuế cùng với chế độ phu phen tạp dịch triền miên đã làm cho đại bộ phận người dân Hướng Thọ Phú phải sống trong cảnh thiếu đói, nợ nần chồng chất. Thêm vào đó, chúng còn triệt để thi hành chánh sách ngu dân, kìm hãm đồng bào ta trong vòng ngu dốt, tối tăm. Chúng đầu độc đồng bào ta bằng các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, mê tín dị đoan,….

          Chính sách thâm độc của thực dân Pháp và tay sai phong kiến không làm tê liệt được ý thức phản kháng của nhân dân ta mà trái lại đã làm cho nhân dân ta rất đỗi căm hờn. Chính vì thế, bước sang những năm đầu thế kỷ XX, người dân Hướng Thọ Phú lại có mặt trong đội ngũ đấu tranh của những cuộc đấu tranh mới.

          Phong trào Thiên địa hội do Ông Vẽ, Thống Lân, Đội Lấn …. lãnh đạo là một tổ chức nông dân được hình thành một cách tự phát nhằm liên kết lực lượng chống lại địa chủ cường hào ác bá trong làng, trong tổng và trợ giúp lẫn nhau trong nghèo khó, hoạn nạn. Đây là một tổ chức hoạt động mang tính chất thần bí nhưng có nội dung yêu nước. Đến những năm sau chiến tranh thế giới thứ nhất, tổ chức Thiên địa hội đã phát triển lên một quy mô lớn, tạo thành một phong trào lưu yêu nước chống lại bộ máy cai trị thực dân phong kiến ở từng địa phương với khẩu hiệu "Phản Pháp phục Nam" (Đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại nước Nam), lại có cách thức hoạt động mang nhiều nét phù hợp với nhận thức và nguyện vọng của nhân dân lao động như cắt máu thề nguyền tuyệt đối trung thành với nhau, lấy của nhà giàu chia cho người nghèo, bênh vực kẻ yếu, trấn áp kẻ mạnh….) nên Thiên địa hội dễ dàng quy tụ được các tầng lớp nhân dân tham gia. Ở Hướng Thọ Phú, phong trào Thiên địa hội đã tập hợp được một số hội viên và truyền bá vào nhân dân ý thức dùng bạo lực để chống Pháp.

          Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào yêu nước ở Tân An lại diễn ra với khí thế sôi nổi. Cuộc đấu tranh đòi ân xá cụ Phan Bội Châu (cuối năm 1925), đám tang cụ Phan Châu Trinh (3 -1926) và đặc biệt là phong trào Hội kín do Nguyễn An Ninh khởi xướng đã tác động sâu sắc đến tâm tư, tình cảm của Người dân Hướng Thọ Phú. Cuối năm 1925, hàng chục nông dân ở Hướng Thọ Phú hăng hái ký tên vào các bản kiến nghị đòi chánh quyền thực dân trả tự do cho cụ Phan Bội Châu. Tháng 3 – 1926, một số nông dân từ Hướng Thọ Phú đã kéo về Sài Gòn dự đám tang Phan Châu Trinh. Đám tuần cụ Phan năm 1927, bà con Hướng Thọ Phú đã tổ chức đi viếng mộ cụ ở Gò Công để nhắc nhở nhau noi theo khí tiết của cụ. Đặc biệt, phong trào Hội kín do Nguyễn An Ninh khởi xướng đã tạo được ảnh hưởng khá sâu sắc với đồng bào Hướng Thọ Phú. Những hội viên cũ của Thiện địa hội trước đây của Hướng Thọ Phú đã hăng hái hưởng ứng Hội kín của Nguyễn An Ninh.

          Như vậy, cho đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân Hướng Thọ Phú đã ghi vào lịch sử của địa phương nhiều thành tích chống giặc ngoại xâm, thể hiện khát vọng độc lập tự do của những người lao động nghèo khổ, không chịu ách áp bức bất công. Qua thực tiễn sôi động của phong trào chống Pháp xâm lược, người dân Hướng Thọ Phú ngày càng bồi dưỡng thêm lòng yêu quê hương đất nước đồng thời đúc kết được nhiều kinh nghiệm chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương.

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Thư viện ảnh